Cuộc sống bận rộn, stress, nhịp sinh hoạt ăn ngủ thất thường là những nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngủ ở nhiều người. Đặc biệt, tại Nhật, theo thống kê, cứ khoảng 5 người lại có 1 người có các triệu chứng liên quan tới mất ngủ. Ngoài các nguyên nhân liên quan tới lối sống sinh hoạt như ở trên, thì chứng mất ngủ có thể còn bắt nguồn từ các nguyên nhân liên quan tới các bệnh lý khác như hội chứng ngưng thở khi ngủ, hen suyễn, phế quản hay các bệnh liên quan tới tâm thần khác.
Mất ngủ kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, như thường xuyên có cảm giác buồn ngủ, uể oải, giảm khả năng tập trung, kém ăn, buồn chán, hoa mắt, v.v…
Sau đây là một số thông tin tổng hợp về chứng mất ngủ, cách khám tại Nhật, phương án điều trị và lưu ý khi sử dụng thuốc ngủ tự mua tại các drugstore do WAP – Japan Medical Gate tổng hợp dựa trên các thông tin từ các trang tiếng Nhật uy tín.
■ 4 CHỨNG MẤT NGỦ THƯỜNG GẶP:
Chứng mất ngủ được chia làm 4 loại khác nhau:
– Rối loạn giấc ngủ (入眠障害): Nằm ngủ từ 30p tới 1 tiếng mà vẫn không ngủ được.
– Thức giấc giữa chừng (中途覚醒): Tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.
– Thức giấc vào sáng sớm (早朝覚醒): Thức dậy sớm hơn 2 tiếng so với giờ định dậy và không ngủ lại được.
– Rối loạn giấc ngủ sâu (熟眠障害) : Ngủ chập chờn, không cảm giác là đã ngủ sâu.
Trong 4 loại này thì số người bị loại 1 là nhiều nhất, và có một số người thì có thể gặp cùng lúc cả 4 triệu chứng kể trên.
■ KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN CHỨNG MẤT NGỦ
Nếu gặp các vấn đề liên quan tới triệu chứng mất ngủ trong thời gian dài, các bạn có thể tới các bệnh viện và phòng khám chuyên để khám. Hãy search từ khoá “不眠症外来 + nơi bạn đang sống” để tìm các phòng khám liên quan nhé.
Khi đi khám, thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi xem việc bệnh nhân không ngủ được có liên quan gì tới các rối loạn tâm thần và thể chất không. Các bác sĩ sẽ sử dụng Bảng chẩn đoán Chứng mất ngủ do Hiệp Hội Y khoa Tâm thần của Hoa Kỳ để kiểm tra.
Các bác sĩ cũng sẽ thực hiện Đa ký giấc ngủ (睡眠ポリグラフィー検査) – là một xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, trong đó bệnh nhân sẽ đeo một thiết bị vào người và ngủ qua một đêm để thiết bị đo sóng não, vận động hô hấp, điện tâm đồ, vận động cơ, vận động nhãn cầu, độ sâu của giấc ngủ, tiếng ngáy, mức độ ngưng hô hấp,…Việc chẩn đoán kết luận bệnh nhân có bị chứng mất ngủ hay không không dựa vào thời gian ngủ dài hay ngắn, cũng như tình trạng mất ngủ của bệnh nhân, mà căn cứ trên việc liệu việc mất ngủ kéo dài đó có ảnh hưởng tới sinh hoạt hay không?
■ THUỐC NGỦ DO BÁC SĨ KÊ KHÁC GÌ SO VỚI THUỐC NGỦ TỰ MUA NGOÀI HIỆU THUỐC:
Sau khi khám và đề xuất việc cải thiện thói quen sinh hoạt cũng như môi trường mà vẫn không có hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ (睡眠薬). Trong các loại thuốc ngủ được kê đơn này, sẽ có loại có tác dụng làm dịu hoạt động của não, có thuốc giúp điều chỉnh nhịp giữa ngủ và thức, và có thuốc giúp giảm bớt tình trạng tỉnh táo quá mức của não. Bác sĩ sẽ căn cứ theo tình trạng mất ngủ của bệnh nhân (theo 4 loại được đề cập tới ở trên) để kê đơn thuốc phù hợp.
Nhiều người vẫn e ngại việc sử dụng thuốc ngủ sẽ khiến bản thân bị phụ thuộc vào thuốc ngủ, hay lo lắng tới các tác dụng phụ của thuốc. Tuy vậy, các loại thuốc ngủ do bác sĩ kê đơn hiện nay có rất ít tác dụng phụ và đều hướng tới việc giúp bệnh nhân có giấc ngủ gần với tự nhiên nhất.
Tuy vậy, điều này không đúng với các loại thuốc ngủ bán ở các drugstore (市販の睡眠薬). Các loại thuốc ngủ này đều là các loại thuốc sử dụng cơ chế gây buồn ngủ do tác dụng phụ của thuốc dị ứng, hiệu quả với việc điều trị chứng mất ngủ chưa được công nhận, và chỉ được sử dụng giới hạn trong thời gian ngắn, tuyệt đối không được sử dụng lâu dài. Vì vậy, các bạn đang gặp phải chứng mất ngủ thường xuyên không nên sử dụng các loại thuốc này mà hãy sắp xếp thời gian để sớm đi gặp bác sĩ và được kê các loại thuốc ngủ an toàn, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao nếu cần nhé.
***Nguồn tham khảo:
https://doctorsfile.jp/medication/266/
https://www.suimin.net/step1/syndrome/type_a/
#JapanMedicalGate
=============================
Các bạn có thể hỏi thêm về khám và điều trị bệnh tại Nhật theo các địa chỉ dưới đây:
Tại Nhật:
Tại Việt Nam:
Văn phòng đại diện WAP tại Việt Nam (TOMO-MED)
-Địa chỉ: tầng 3 – Espace – tòa nhà SAVINA, số 1 Đinh Lễ, Hà Nội.
-Hotline: (+84) 904-529-276