Ở Nhật, bệnh nhân thiếu máu thường được kê thuốc 「造血剤」nghĩa đen là “thuốc tạo máu”, nhưng bản chất là thuốc bổ sung sắt. Tuy nhiên, bạn có biết rằng trong loại thuốc này bao gồm hai loại sắt hết sức khác biệt là sắt heme và sắt không heme?
Đây là hai loại sắt rất khác nhau ở tỷ lệ hấp thụ và tác dụng đối với đường tiêu hóa.
Sắt heme có tỷ lệ hấp thụ từ đường tiêu hóa cao hơn sắt không heme từ 5 đến 6 lần. Cụ thể, các dữ liệu của Nhật Bản cho thấy tỷ lệ đường tiêu hóa hấp thu sắt heme là 25%, gấp 5 lần so với sắt không heme chỉ có 5%.
Về tác dụng đối với đường tiêu hóa, khi đi vào tế bào, sắt không heme sẽ chuyển từ hóa trị ba sang hóa trị hai, và khi quá liều, loại sắt trần hóa trị hai này là nguyên nhân gây chứng lợm giọng, buồn nôn.
Ngược lại, sắt heme không gây ra những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như trên, do đó rất khó xảy ra trường hợp quá liều sắt heme.
Tuy nhiên, ở Nhật, khi bạn được chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt thì các loại thuốc bổ sung sắt mà bệnh viện hay phòng khám kê đơn hầu hết đều là sắt không heme. Chính vì sắt không heme khó hấp thụ và dễ gây rối loạn tiêu hóa cho nên chỉ có thể được kê đơn bởi các cơ sở y tế. Ưu điểm của các loại thuốc bổ sung sắt không heme là giá thành rất rẻ khi có bảo hiểm y tế.
Nhưng có rất nhiều người không thể uống sắt không heme vì dễ bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, hay cảm giác tanh lợm. Để đáp ứng việc này, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng đã tung ra rất nhiều sản phẩm bổ sung sắt với thành phần sắt heme, hỗ trợ cho người thiếu máu do thiếu sắt.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng sắt đều có thành phần chính là sắt heme với tỉ lệ hấp thu tốt và ít gây khó chịu hay rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên nhược điểm của chúng là giá thành cao trong khi liều lượng thấp. Bệnh nhân muốn uống đủ liều thì phải bỏ ra một số tiền cao hơn khá nhiều so với thuốc do bệnh viện kê đơn.
Dù lựa chọn uống loại sắt nào thì chúng ta cũng cần chú ý không để tình trạng quá liều sắt. Sắt thừa tích tụ trong gan sẽ dẫn đến rối loạn gan nghiêm trọng. Bởi vậy khi điều trị thiếu máu, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị và đến bệnh viện lấy máu định kỳ. Bác sĩ cần phải dựa vào kết quả lấy máu mới có thể điều chỉnh liều lượng sắt cần uống cho bệnh nhân.
=============================
Các bạn có thể hỏi thêm về khám và điều trị bệnh tại Nhật theo các địa chỉ dưới đây:
Tại Việt Nam:
Văn phòng đại diện WAP tại Việt Nam (TOMO-MED)
-Địa chỉ: tầng 3 – Espace – tòa nhà SAVINA, số 1 Đinh Lễ, Hà Nội.
-Hotline: (+84 904-529-276