Tầm soát ung thư sớm bằng… giun (?!)

Việc phát hiện ung thư sớm sẽ làm tăng tỷ lệ sống của người bệnh sau 5 năm lên gấp nhiều lần. Vì vậy đối với căn bệnh này, “phát hiện sớm” (早期発見) là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm rất khó khăn với các xét nghiệm ung thư thông thường hiện nay. Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới luôn rất chú trọng thử nghiệm và phát triển nhiều phương pháp sàng lọc để có thể phát hiện bệnh từ ngay giai đoạn nguy cơ.

Đầu năm 2021, sau nhiều năm tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, công ty HIROTSU Bio Science đã đưa vào ứng dụng xét nghiệm tầm soát ung thư sớm sử dụng loài giun tròn(線虫), với tên gọi N-NOSE. Chỉ trong vòng 1 năm, đã có 150 ngàn người sử dụng dịch vụ xét nghiệm này.

Xét nghiệm tầm soát nguy cơ ung thư chính bằng giun tròn có nguyên lý dựa trên tập tính của giun tròn C. elegans: chúng có khứu giác rất nhạy bén do sở hữu nhiều gien thụ cảm khứu giác gấp 1.5 lần loài chó, và có khả năng đánh hơi những mùi nhạt tới mức máy móc không thể phát hiện. Chúng có xu hướng di chuyển tới gần những nguồn phát ra loại mùi mà chúng yêu thích, đồng thời tránh xa những mùi chúng không ưa. 

Trong các nghiên cứu thử nghiệm trước đây, loài giun này được đặt gần hai mẫu nước tiểu của người khỏe mạnh và người bị ung thư. Kết quả là chúng chỉ di chuyển về phía mẫu nước tiểu của người ung thư, với tỷ lệ “chẩn đoán” chính xác cao nhất là 96%, cao hơn tỷ lệ của bất kỳ loại xét nghiệm máu nào. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loại xét nghiệm này có thể phát hiện ung thư với độ chính xác cao ngay cả ở giai đoạn sớm như 0 và I. Tỷ lệ chính xác trung bình của xét nghiệm giun tròn N-NOSE hiện ở mức rất cao là 86.3%.

Tuy nhiên đây là xét nghiệm nhằm đánh giá nguy cơ ung thư ở giai đoạn sớm và rất sớm tại thời điểm xét nghiệm, chứ không phải xét nghiệm để chẩn đoán loại ung thư. Do đó, nếu làm xét nghiệm và nhận kết quả có nguy cơ ung thư cao thì cũng không nên quá lo lắng và suy diễn. Dù vậy trong trường hợp này, chúng ta nên tự giác thực hiện nhiều biện pháp phòng chống như thay đổi thói quen ăn uống, tích cực khám sức khỏe tổng quát định kỳ cũng như tham vấn ý kiến bác sĩ để làm thêm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cần thiết khác.