Tìm hiểu về bệnh giãn tĩnh mạch – Hướng dẫn khám & Điều trị tại Nhật

Giãn tĩnh mạch chi dưới (hay giãn tĩnh mạch chân: #下肢静脈瘤) là bệnh lành tính do sự rối loạn lưu thông dòng máu tĩnh mạch về tim, đa phần do sự bất thường cấu tạo thành mạch 2 chân, thường do nguyên nhân thứ phát.
Trên thực tế, ai trong chúng ta có thể là nạn nhân của căn bệnh trên. Trong đó những người lớn tuổi, người thừa cân hoặc thường xuyên phải đứng khi làm việc có nguy cơ mắc tương đối cao.
Bệnh có rất nhiều mức độ, giai đoạn, trong từng thời điểm, bệnh nhân sẽ thấy những dấu hiệu khác nhau của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
■ CÁC DẤU HIỆU CỦA BỆNH GIÃN TĨNH MẠCH:
1. Dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường tỏ ra chủ quan với các triệu chứng của bệnh, ví dụ như chân hay có cảm giác nóng rát, tê và nặng chân, đặc biệt là phần bắp chân. Bên cạnh đó, một số người còn gặp tình trạng chuột rút chân, hiện tượng này thường xảy ra vào buổi tối đi ngủ khiến người bệnh cực kỳ khó chịu.
Càng ngày, những triệu chứng này càng rõ rệt, người bệnh thường xuyên bị sưng đau chân, nhất là vùng mắt cá chân. Nếu như phải vận động mạnh hoặc đứng quá lâu, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt một số dấu hiệu kể trên.
2. Dấu hiệu thường gặp khi bệnh đã tiến triển nặng
Nếu bạn không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh trong giai đoạn chúng mới hình thành thì các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đó, tĩnh mạch bắt đầu giãn lớn, phình to, chúng ta có thể sờ và nhìn thấy rất rõ. Khi chạm vào chỗ bị sưng thì bạn cảm thấy đau đớn.
Một số bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân còn gặp tình trạng sưng tấy chân, thậm chí là nhiễm trùng, da phù nề. Nếu như bạn không đi khám sớm thì vết nhiễm trùng đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe. Càng ngày, chúng càng loét sâu hơn và lan sang các vùng da xung quanh.
■ KHÁM & CHẨN ĐOÁN:
Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới có thể được chẩn đoán bằng cách quan sát tình trạng sưng mạch máu qua sờ nắn chi dưới (trong tư thế đứng) hoặc kiểm tra bằng mắt thường. Bác sĩ cũng có thể tiến hành siêu âm để kiểm tra độ lớn của tĩnh mạch, cũng như kiểm tra dòng chảy của mạch máu (xem có hiện tượng máu chảy ngược lên trên không,..). Trong một số trường hợp phức tạp, hoặc để kiểm tra xem liệu chứng giãn tĩnh mạch đã được điều trị trước đó có bị tái phát hay không, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu chụp cản quang CT hoặc MRI.
Khoa thích hợp nhất để khám bệnh giãn tĩnh mạch chân là #血管外科 (Khoa ngoại mạch máu). Tuy vậy, hiện nay số bệnh viên có khoa này ở Nhật vẫn chưa nhiều, nên tại hầu hết các bệnh viện, khoa #心臓血管外科 (khoa ngoại tim mạch- mạch máu) sẽ là nơi đảm nhận việc khám và điều trị bệnh này. Tuỳ vào từng bệnh viện, mà các khoa như #一般外科 (khoa ngoại tổng hợp)・#皮膚科(khoa da liễu)・#形成外科(khoa ngoại chỉnh hình) cũng hỗ trợ khám và điều trị bệnh này. Vì vậy nếu không rõ, bạn có thể gọi điện hoặc tới bộ phận lễ tân của bệnh viện để hỏi rõ hơn nhé
Hiện nay cũng có khá nhiều phòng khám tư chuyên khám và điều trị bệnh giãn tĩnh mạch. Bạn có thể tham khảo bằng cách gõ từ khoá #下肢静脈瘤クリニック và tìm hiểu thêm phần review trên mạng trước khi quyết định nhé.
■ ĐIỀU TRỊ & CHI PHÍ:
Tuỳ vào tình trạng bệnh mà bệnh giãn tĩnh mạch có thể được điều trị theo các phương pháp khác nhau.
– Đối với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà bằng cách cải thiện lối sống (tập các bài tập giúp lưu thông máu, massage nhẹ nhàng, tránh đi dứng hoặc ngồi quá lâu, tăng cường ăn các thực phẩm giàu Vitamin A-C, giàu Kali, giàu chất xơ) kết hợp với việc dùng tất ngăn giãn tĩnh mạch. Tất giãn tĩnh mạch (#弾性(着圧)#ストッキング) bó chặt hơn so với tất thông thường, giúp cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân thông qua việc tạo áp lực hợp lý lên chân để các tĩnh mạch không bị giãn nở thêm. Đồng thời, tất co giãn còn hỗ trợ các cơ và tĩnh mạch trong việc điều hướng đưa máu lưu thông về tim. Tuy vậy, đây không phải là biện pháp giúp điều trị triệt để căn bệnh này. Chi phí điều trị (mua tất giãn tĩnh. mạch) vào khoảng 3000 ~5000y.
– Đối với các trường hợp tĩnh mạch giãn thành hình mạng nhện, lưới hoặc tách nhánh 2 bên có thể sẽ được điều trị bằng phương pháp chích xơ tĩnh mạch (#硬化療法). Chi phí cho phương pháp này là khoảng 5000y (chi phí sau. khi đã được bảo hiểm, chỉ phải trả 30%).
– Đối với các bệnh nhân nặng hơn, có thể sẽ phải điều trị bằng các phương pháp như:
1. Phẫu thuật tĩnh mạch (mổ rút bỏ tĩnh mạch bị giãn) #ストリッピング手術 : áp dụng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch nông chi dưới cấp độ nặng, khi các triệu chứng đau nhức, nặng mỏi chân rất rõ rệt, tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo sát bề mặt da. hi phí sau khi trừ bảo hiểm còn khoảng 3.5 man
2. Laser nội mạch – sóng cao tần #血管内治療(高周波・レーザー): hủy tĩnh mạch bị bệnh ngay từ bên trong bằng cách sử dụng tia laser hoặc sóng cao tần, nhanh chóng, an toàn. Chi phí sau khi đã trừ bảo hiểm là khoảng 3.5 man,
3. Phương pháp ứng dụng keo sinh học (#血管内接着材治療). Sau khi xác định tĩnh mạch bị giãn và vị trí đặt keo qua hỗ trợ của máy siêu âm, sẽ truyền một lượng nhỏ keo sinh học VenaSeal dọc theo chiều dài của tĩnh mạch bị bệnh thông qua một ống thông nhỏ và một bộ dụng cụ. Chất keo được nén chặt cho đến khi các thành mạch bị giãn gắn kết lại với nhau và máu được chuyển hướng lưu thông qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác ở chân. Chi phí sau khi trừ bảo hiểm còn khoảng 4.5 man.
Có nhiều cách điều trị giãn tĩnh mạch chân. Việc chọn lựa một cách điều trị phù hợp là rất cần thiết để tăng cường hiệu quả điều trị. Để thực hiện điều này, tốt nhất, người bệnh nên đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa uy tín để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể hơn trước khi quyết định chữa trị.
#japanmedicalgate

=============================

📣Các bạn có thể hỏi thêm về khám và điều trị bệnh tại Nhật theo các địa chỉ dưới đây:

🇯🇵Tại Nhật:
🏥Công ty Wap
– Địa chỉ: Tokyo, Minato-ku, Shirokanedai 3-16-11, Minegishi Build 3F
– Sdt: (+81) 3-6687-1033
– Hotline (tiếng việt) : (+81) 80-9679-3939

🇻🇳Tại VN:
🏥Văn phòng đại diện WAP tại Việt Nam (TOMO-MED)
-Địa chỉ: tầng 3 – Espace – tòa nhà SAVINA, số 1 Đinh Lễ, Hà Nội.
-Hotline: (+84 904-529-276