#CÂU_1. Tiêm chủng cho #người_nước_ngoài ở Nhật Bản
Người nước ngoài sống ở Nhật Bản có thể được tiêm vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona tại địa phương đăng ký cư trú.
Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu từ 17/2. Nhân viên y tế sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm trước, sau đó mở rộng ra cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các đối tượng khác. Người cao tuổi dự kiến sẽ bắt đầu được tiêm vắc-xin trong tháng 4.
Về địa điểm tiêm chủng, các điểm tiêm vắc-xin về cơ bản sẽ được bố trí tại cơ quan chính quyền địa phương nơi người dân đăng ký cư trú.
Chính phủ dự kiến sẽ gửi phiếu tiêm chủng đến các hộ dân. Vắc-xin sẽ được tiêm miễn phí.
#CÂU_2. Vắc-xin có tác dụng miễn dịch trong bao lâu?
Giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Kate O’Brien đã có phát biểu về vấn đề này tại một buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.
Bà cho biết thử nghiệm lâm sàng vắc-xin đã bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái, và việc tiêm chủng hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Bà nói có thể biết được vắc-xin có tác dụng miễn dịch trong bao lâu thông qua việc tiếp tục theo dõi những người đã từng tham gia thử nghiệm lâm sàng. Do đó, hiện tại WHO vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Theo bà O’Brien, WHO kỳ vọng, đồng thời cũng dự đoán, vắc-xin sẽ có tác dụng miễn dịch lâu dài. Bà cũng cho biết WHO hiện đang theo dõi những người bị nhiễm vi-rút COVID-19 một cách tự nhiên. Các trường hợp như vậy có thể giúp cung cấp thông tin về việc liệu miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài trong bao lâu, từ đó có thể được áp dụng cho miễn dịch do vắc-xin. Bà nhắc lại rằng hiện vẫn còn quá sớm để kết luận về việc miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu.
#CÂU_3. Những người có tiền sử bệnh lý có nên tiêm vắc-xin?
Chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Alejandro Cravioto, đã phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến hôm 7/1.
Ông Cravioto nói việc một người có nên tiêm vắc-xin hay không phụ thuộc vào tiền sử bệnh lý của người đó. Rõ ràng rằng nếu một người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ loại vắc-xin nào thì không nên tiêm vắc-xin vi-rút corona. Tuy nhiên, nếu một người chỉ bị dị ứng với loại thức ăn hay sản phẩm nào đó thì không cần phải chống chỉ định tiêm vắc-xin. Ông cũng khuyến cáo nên tiêm vắc-xin ở các cơ sở có thể xử lý các ca phản ứng nặng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Sau phát biểu của ông Cravioto, giám đốc chương trình tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của WHO, bà Kate O’Brien, cũng có bài phát biểu.
Bà O’Brien nói những người có bệnh nền, chẳng hạn như bệnh về tim, phổi, bệnh tiểu đường hay béo phì được xếp vào nhóm dễ có triệu chứng nặng nếu bị nhiễm COVID-19. Bà cho biết những người có bệnh lý nền thật sự là những người rất cần được chủng ngừa.
Theo bà O’Brien, hiện vẫn chưa có dữ liệu cho thấy liệu vắc-xin có gây ra nguy cơ nào cho phụ nữ đang mang thai hay không. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh không có lý do gì để cho rằng vắc-xin gây hại cho phụ nữ mang thai hay bào thai. Bà đề nghị những phụ nữ đang mang thai nằm trong nhóm được khuyến nghị tiêm vắc-xin, đặc biệt là nhân viên y tế, cần bàn bạc với cơ sở tiêm vắc-xin và thảo luận về nguy cơ nhiễm COVID-19. Nếu khả năng lây nhiễm cao thì nên tiêm vắc-xin. Bà cho biết thêm rằng những người nhiễm HIV cùng với những người có nguy cơ cao chuyển biến nặng nếu nhiễm COVID-19 cũng nên được tiêm vắc-xin.
Nguồn: NHK
=============================
Các bạn có thể hỏi thêm về khám và điều trị bệnh tại Nhật theo các địa chỉ dưới đây:
Tại Nhật:
Tại Việt Nam:
Văn phòng đại diện WAP tại Việt Nam (TOMO-MED)
– Địa chỉ: tầng 3 – Espace – tòa nhà SAVINA, số 1 Đinh Lễ, Hà Nội.
– Hotline: (+84) 904-529-276